Sustainable Construction
Lorem ipsum dolor...
Chấn thương răng ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn và thường bị bỏ qua. Với trẻ từ 0 – 6 tuổi, chấn thương vùng miệng chiếm tới 18% trong tổng số chấn thương toàn thân và là vùng thứ 2 thường bị chấn thương nhất. Một nghiên cứu gần đây đã thống kê chấn thương răng cho kết quả 22.7% trường hợp gặp ở răng sữa. Nguyên nhân chấn thương thường gặp là do ngã, những va chạm và các chấn thương thường gặp trong giờ vui chơi, đặc biệt là ở trẻ đang tập đi, tập chạy.
Xử trí các trường hợp chấn thương răng sữa (CTRS) có một vài điểm cần chú ý hơn so với răng vĩnh viễn. Thứ nhất là thường rất khó kiểm tra và điều trị do các bé còn nhỏ, thiếu hợp tác do sợ hãi. Thứ 2 là chóp chân răng sữa bị chấn thương có liên quan chặt chẽ với mầm răng vĩnh viễn ở bên dưới, có thể gây ra các biến chứng sau chấn thương như răng mọc kẹt, bất thường sự mọc răng ở bộ răng vĩnh viễn,.. Do đó, chấn thương răng sữa đòi hỏi cách xử lý khác so với chấn thương răng vĩnh viễn.
Hiệp hội chấn thương răng quốc tế (IADT) năm 2020 đã đưa ra các khuyến cáo mới nhất về chiến lược kiểm soát chấn thương răng sữa tóm tắt như sau:
Trong các loại CTRS thì Trật khớp răng là dạng chấn thương phổ biến nhất trong bộ răng sữa.
Chấn thương lún răng và răng rơi ra khỏi huyệt ổ răng là những tổn thương hay dẫn đến bất thường ở hệ răng vĩnh viễn.
+ Có bằng chứng về sự tự mọc lại của răng sữa bị lún.
+ Việc nhổ răng có thể gây tổn thương nặng hơn cho mầm răng vĩnh viễn.
+ Không có đủ bằng chứng để chứng minh việc nhổ răng sữa luôn sau chấn thương sẽ làm giảm tối đa sự tổn thương mầm răng vĩnh viễn.
Việc theo dõi là lựa chọn điều trị phù hợp nhất trong trường hợp cấp cứu trừ khi có nguy cơ răng rơi vào đường thở, hoặc chấn thương răng gây sang chấn khớp cắn. Điều trị bảo tồn có thể giảm những can thiệp nặng nề cho trẻ và giảm những nguy cơ tổn thương nặng hơn cho răng vĩnh viễn. Cần thông báo với bố mẹ trẻ về những biến chứng có thể gặp ở răng vĩnh viễn sau chấn thương lún răng sữa , răng sữa rơi khỏi huyệt ổ răng , gãy xương ổ răng để theo dõi, xử trí kịp thời. Các thuốc giảm đau như Ibuprofen và/hoặc Acetaminophen (Paracetamol) được khuyến cáo sử dụng khi trẻ bị đau nhiều. Không có bằng chứng về việc sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân trong xử trí chấn thương trật khớp răng sữa. Tuy nhiên, có thể được chỉ định trong trường hợp có tổn thương mô mềm hoặc cần có các can thiệp phẫu thuật phức tạp khác. Với trường hợp răng sữa rơi ra khỏi huyệt ổ răng thì không có chỉ định đặt lại như với răng vĩnh viễn mà chỉ theo dõi tái khám định kỳ sự phát triển và mọc răng vĩnh viễn. Lý do là vì việc cắm lại răng gồm nhiều bước (đặt lại răng vào ổ, nẹp cố định, điều trị tủy) với trẻ nhỏ là quá phức tạp và có nguy cơ làm tổn thương nặng hơn cho răng vĩnh viễn và sự mọc của răng vĩnh viễn. Thêm vào đó là để tránh nguy cơ răng rơi vào đường thở. Hướng dẫn bố mẹ vệ sinh răng miệng, chăm sóc tại nhà cho trẻ:Chải răng bằng bàn chải lông mềm . Sử dụng nước súc miệng Chlorhexidin 0.12% ngày 2 lần, trong 7 ngày để tránh tích tụ mảng bám và vi khuẩn. Tránh gây sang chấn lên răng bị chấn thương trong khi ăn. Bố mẹ cần theo dõi những biến chứng có thể xảy ra như sưng nề, răng lung lay nhiều, lỗ rò,.. để đưa tới nha sĩ điều trị kịp thời.
BS Tạ Thu Anh – Khoa Răng
Truyền thông Bệnh viện